Phóng viên: Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có nhiều cây xanh đô thị bị gãy đổ làm thiệt hại tài sản của nhân dân, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Theo ông, ngoài nguyên nhân khách quan do mưa bão thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực tế trên là gì?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Cây đổ gãy do yếu tố cực đoan của thời tiết là hiện tượng bất khả kháng và đó là nguyên nhân khách quan. Cây trồng trong đô thị môi trường sinh trưởng phát triển khác nhiều so với ở nông thôn và trong tự nhiên, nên nguy cơ đổ gãy xảy ra cũng cao hơn nếu không có kỹ thuật tác động tốt. Những thiệt hại do cây trồng trong đô thị đổ gãy cũng cao và khó lường.
Ngoài nguyên nhân khách quan, việc chọn lựa cây trồng và biện pháp kỹ thuật trồng, duy trì, theo dõi tình hình phát triển của cây nếu không thực hiện thường xuyên cũng sẽ dẫn đến nguy cơ cây dễ bị đổ gãy khi có mưa bão, thậm chí trong cả những điều kiện thời tiết bình thường như báo chí truyền thông đã từng đề cập về cây đổ gãy ở TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác gần đây.
Song, có một số nguyên nhân chủ quan chính dẫn đến cây đô thị, đặc biệt là cây đường phố có nguy cơ dễ bị đổ gãy là:
Thứ nhất, với nhóm cây bóng mát đã trồng lâu năm: Chiều cao cây đang để quá cao và cành nhánh nhiều; tán cây lớn, thân cây bị nghiêng và lệch tán do một thời gian dài tác động kỹ thuật chưa đúng. Gốc rễ cây bị ảnh hưởng bởi yếu tố xây dựng và cải tạo công trình hạ tầng. Những cây già cỗi gốc rễ yếu, thân cành mục rỗng chưa được quan tâm theo dõi thường xuyên. Công tác cắt tỉa duy trì cây chưa thường xuyên và đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật.
Thứ hai, với nhóm cây trồng mới: Còn thiếu quy hoạch chọn loài cây trồng phù hợp đối với đất trồng cây đô thị. Thiết kế trồng cây chưa chú trọng đến điều kiện môi trường để cây sinh trưởng phát triển tốt. Phương án kỹ thuật thiết kế trồng cây chưa đưa ra được phương án kỹ thuật dài hạn về chăm sóc và duy trì cây sau khi trồng. Những nguyên nhân này, nếu làm không tốt cũng sẽ tiềm ẩn gây rủi ro sau khi trồng khoảng 15 năm trở về sau.
Thứ ba, là yếu tố về nhân lực quản lý và trực tiếp làm công tác về quy hoạch, thiết kế, trồng, chăm sóc duy trì cây còn mỏng, trang thiết bị thiếu thốn và chưa được đào tạo về kỹ thuật cây xanh đô thị.
Phóng viên: Từ những nguyên nhân đã chỉ rõ, vậy ông có thể đề xuất một số giải pháp bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị hiện nay?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Có thể áp dụng một số biện pháp để bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị hiện nay:
- Với nhóm cây bóng mát lâu năm: Cần chú ý cắt tỉa luân phiên trong một số năm để giảm bớt chiều cao, giảm bớt những cành vươn quá dài, tạo tán lá cân đối. Những cây có bộ rễ yếu, thân cành bị mục rỗng nhiều nên có phương án thay thế. Tuy nhiên, việc cắt tỉa và thay thế này, đều phải có phương án kỹ thuật và lộ trình cụ thể để luôn phát huy tốt vai trò của cây xanh trong môi trường đô thị, và mong muốn của người dân đô thị.
- Với nhóm cây trồng mới: Các địa phương cần làm tốt công tác chọn loài cây trồng và quy hoạch, thiết kế trồng cây cho từng đối tượng đất trồng cây cụ thể trong đô thị. Tùy thuộc vào loài cây, không gian và môi trường sinh trưởng cần có những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết làm cơ sở cho công tác duy trì, chăm sóc và quản lý sau này.
- Về vấn đề nhân lực: Chọn loài, trồng và duy trì, chăm sóc cây xanh trong đô thị có nhiều yêu cầu đặc thù so với lĩnh vực trồng cây trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Do đó, nhân lực ở các công ty, cơ quan được giao nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế, trồng, duy trì chăm sóc và quản lý cây xanh đô thị nên được đào tạo, tập huấn kỹ thuật về cây xanh đô thị và cảnh quan.
Cây phượng được trồng nhiều trên đường Chiến thắng Sông Lô.
Phóng viên: Ông có thể gợi mở một số loại cây đô thị phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Tuyên Quang?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Với đặc điểm môi trường tự nhiên ở khu vực thành phố Tuyên Quang, cũng như tài nguyên thực vật ở khu vực, theo tôi những cây gỗ bóng mát có thể tiếp tục phát triển và nghiên cứu bổ sung từ những cây phân bố tự nhiên ở khu vực Tuyên Quang đưa vào trồng trong đô thị như: Chò chỉ, Gù hương, Long lão, Bời lời xanh, Mý, Sảng nhung, Nanh chuột, Ngô đồng, Sau sau, Trai lý, Giổi xanh, Nhội, Re hương, Sổ bà, Da bò, Sồi phảng, Vàng anh, Lôi khoai, Gội trắng…
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển cây xanh đô thị ở một số quốc gia trên thế giới? Theo ông, Tuyên Quang có thể tham khảo, áp dụng một số cách làm trên?
PGS.TS Đặng Văn Hà: Ở đô thị một số các nước mà tôi biết thông qua quan sát thực tế và tư liệu nghiên cứu của họ như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Nhật Bản… thấy rằng cây bóng mát trồng trong đô thị cơ bản họ đều có nghiên cứu kỹ lưỡng từ chọn loài cây đến quy hoạch phát triển trồng trong đô thị. Các nước này không chạy theo xu hướng thấy loại cây này trồng tốt ở thành phố khác cũng nghiên cứu đưa bằng được về trồng trong thành phố của mình (ở Việt Nam, cây Sao đen, Dầu nước, Bàng đài loan, Chà là phát triển khắp nơi là một thí dụ).
Ở các nước này, cây giống chủ yếu ươm từ nhỏ trong vườn ươm trước khi đưa vào trồng trong đô thị, thường quá trình này là 5-6 năm. Cây giống khi trồng đều có tán lá, đường kính, chiều cao không lớn (thường đường kính từ 6-10cm, chiều cao từ 4,5-5,5m), chất lượng cây đồng đều và được trồng trong bầu lớn, có gốc rễ khỏe mạnh. Công tác cắt tỉa được thực hiện thường xuyên theo tình hình phát triển của cây, mỗi khi mùa mưa bão họ chỉ kiểm tra, rà soát và có cảnh báo đối với những cây đặc biệt.
Cây trồng ở ven đường phố thường không cao quá 25m, ở những đô thị có mưa bão nhiều, chiều cao cây chỉ khoảng 15m và tán lá vừa phải. Người làm công tác quản lý, thiết kế trồng, chăm sóc cây cũng được đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn bài bản về cây cảnh quan đô thị. Một số thành phố ở nước ngoài còn thành lập bộ phận nghiên cứu chuyên sâu và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực cây xanh đô thị (như Viện, Trung tâm, Phòng). Việc quản lý cây xanh, bên cạnh các đơn vị chuyên trách còn có sự tham gia của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội địa phương.
Đây chính là những điều chúng ta cần rút kinh nghiệm và học hỏi ở một số quốc gia nếu muốn có hệ thống cây xanh phát triển tốt thực sự.
Gửi phản hồi
In bài viết